GIÁO DỤC PHÁT TRIỂN NHÂN CÁCH
Nhân cách không đơn thuần định hình cá tính, hành vi mà còn tác động đáng kể tới lối sống, cách làm việc và ứng xử xã hội của mỗi con người. Những yếu tố này có thể khác biệt tùy vào quan niệm văn hóa, nhưng nhìn chung việc rèn luyện nhân cách đều có mục tiêu chung là hướng một cá nhân trở thành những cá nhân tự tin, giàu lòng trắc ẩn, chính trực, có thể hòa nhập với mọi cộng đồng và lan tỏa những giá trị tích cực tới xã hội.
Nhiều doanh nhân, chính trị gia đề cao nhân cách là một giá trị cốt lõi quyết định khả năng thành công của mọi cá nhân trong xã hội. Theodore Roosevelt, vị tổng thống thứ 26 của Hoa Kỳ, cho rằng xã hội sẽ gặp nguy nếu giáo dục không chú trọng vào đào tạo nhân cách, đạo đức. Trong khi đó, Peter Schutz, cựu CEO của hãng xe hơi Porsche, coi nhân cách là tiêu chí hàng đầu trong tuyển dụng nhân sự, còn kỹ năng hay chuyên môn hoàn toàn có thể đào tạo sau này. Tỷ phú Warren Buffett cũng có chung quan điểm rằng một nhân viên dù có tài năng, chuyên môn tốt đến mấy cũng không thể thiếu đi phẩm chất chính trực.
Việc rèn luyện nhân cách còn được cho là một trong những yếu tố có thể tác động tới năng lực học tập. Nghiên cứu trên gần 300 học sinh lớp 3 tại Mỹ thực hiện bởi tạp chí Scholar Psychology cho thấy các kỹ năng cảm xúc, xã hội ảnh hưởng không nhỏ tới khả năng học tập của các em trên trường. Thống kê còn cho thấy những đứa trẻ được trau dồi tốt về nhân cách cũng đạt điểm số tốt hơn từ 11 – 17% trong các bài kiểm tra trên trường