Bạn có biết rằng nhân cách con người hình thành dựa trên bao nhiêu yếu tố, và đó là những yếu tố nào hay không? Trên thực tế, tâm lý học đã có những nguyên cứu và đưa ra bảy yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới sự phát triển hình thành nhân cách của con người. Bảy yếu tố đó là: bẩm sinh; môi trường tự nhiên; môi trường xã hội; yếu tố văn hoá; lịch sử; yếu tố giáo dục và tự giáo dục; cuối cùng là yếu tố tích cực hoạt động và giao tiếp cá nhân.
1. Yếu tố bẩm sinh: Trong khoa học, nói tới yếu tố di truyền bẩm sinh là nói tới đặc điểm nổi bật trong cấu tạo sinh học của cơ thể sinh giới (trong đó có cấu tạo cơ thể của con người). Đó là sự truyền lại của thế hệ trước cho thế hệ sau những đặc điểm, thuộc tính giống như mình do một hay nhiều gen bằng con đường sinh học trực tiếp. Bằng con đường di truyền sinh học thế hệ trước để lại trong cấu tạo cơ thể của thế hệ sau một “vốn liếng” tối thiểu giúp nó có thể tương tác với môi trường một cách vô thức ngay từ khi ra đời theo hướng có lợi cho sự tồn tại của nó ( tương tự như khái niệm vô thức tập thể của Carl Jung). Vì thế trẻ em sinh ra đã bản chất mang một số thuộc tính đặc trưng của loài người, của cha mẹ ảnh hưởng tới sự phát triển nhân cách sau này của cá nhân.
2. Yếu tố môi trường tự nhiên: Cơ chế sinh học và môi trường tự nhiên (nơi sinh sống) thường liên quan đến nhau (Johnson, 2007). Ở cấp độ phát triển cá thể, gen là các đơn vị phân tử mã hóa cho việc sản xuất protein, trong đó các chất dinh dưỡng khác nhau nhất thiết phải được lấy từ môi trường. Tương tự, trải nghiệm môi trường có thể ảnh hưởng đến sự biểu hiện của một số gen nhất định thông qua các quá trình biểu sinh và cá nhân có thể chủ động sử dụng các đặc điểm ảnh hưởng di truyền để chọn hoặc thay đổi môi trường của chúng ( Scarr & McCartney, 1983). Ở cấp độ phát sinh loài, các kiểu gen có thể đã tiến hóa để chuẩn bị cho các cá nhân phản ứng với các phản ứng nhất định với tín hiệu môi trường. Mà gen di truyền lại có ảnh hưởng tới sự phát triển nhân cách nên môi trường tự nhiên gây ra sự thay đổi ở gen nghĩa là cũng có sự ảnh hưởng tới phát triển nhân cách ở con người.
3. Yếu tố môi trường xã hội: là hệ thống các mối quan hệ kinh tế, chính trị, quân sự, khoa học, kỹ thuật, văn hoá, đạo đức, nghệ thuật…được tạo nên do hoạt động và giao lưu tích cực của con người trong tiến trình phát triển lịch sử loài người. Chính trong quá trình hình thành, vận động và phát triển thông qua sự tương tác qua lại lẫn nhau một cách có ý thức giữa người và người khi nó tích cực hoạt động và giao lưu tâm lý, nhân cách con người được hình thành và không ngừng phát triển. Chính các quan hệ xã hội (kinh tế, chính trị, văn hoá, khoa học, nghệ thuật…) mà cá nhân gia nhập vào bằng hoạt động và giao lưu của mình là nguồn gốc làm nảy sinh ở nó những động cơ, hoài bão, thói quen, nhu cầu, hứng thú và các thuộc tính khác của nhân cách.
4. Yếu tố văn hoá: Văn hoá là tất cả các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong tiến trình lịch sử, được các thế hệ con người thừa kế, tiếp nhận và tiếp tục không ngừng sáng tạo thêm, đối lập với những cái có sẵn trong tự nhiên. Từ góc độ tâm lý học, L. X. Vưgôtxky nhiều lần nhấn mạnh văn hoá là một trong những nhân tố quan trọng bậc nhất tạo ra con người và sự phát triển tâm lý ở trình độ cao (các chức năng tâm lý cấp cao chỉ có ở người). Theo ông văn hoá sáng tạo ra các hình thái đặc biệt của hành vi; thay đổi loại hình hoạt động của các chức năng tâm lý; kiến tạo nên các tầng mới trong hệ thống luôn phát triển của hành vi con người. Trong quá trình phát triển lịch sử, con người xã hội thay đổi phương thức và phương pháp hành vi của mình, chuyển hoá các tố chất và các chức năng thiên nhiên, tạo lập các dạng thức mới – văn hóa đặc thù của hành vi. Vậy, văn hoá là một yếu tố vô cùng quan trọng trong sự hình thành phát triển nhân cách con người.
5. Yếu tố lịch sử: Môi trường lịch sử của sự phát triển tâm lý, nhân cách của cá nhân là trình độ phát triển về mọi mặt (kinh tế, chính trị, khoa học, nghệ thuật…) của giai đoạn phát triển lịch sử xã hội của một quốc gia dân tộc mà trong đó cá nhân được sinh ra và lớn lên; những sự kiện lịch sử, những biến đổi xã hội (trong đó phải kể đến cả những sự kiện, những biến động diễn ra trong cuộc đời riêng của mỗi người) mà cá nhân đã và đang trải nghiệm như một nhân chứng lịch sử. Thông qua hoạt động và giao lưu của mình trong những sự kiện lịch sử, những biến đổi xã hội mình đã và đang trải qua, cá nhân tiếp thu được (và biến thành của riêng mình) những tri thức, những thành tựu văn hoá tương ứng với từng sự kiện lịch sử và biến đổi xã hội đó, làm cho nhân cách của cá nhân luôn vận động, thay đổi và phát triển .
6. Yếu tố giáo dục và tự giáo dục: Bằng con đường di truyền sinh học, thế hệ trước truyền lại trong cơ thể của thế hệ sau những đặc điểm về cấu tạo sinh học giống mình, giúp thế hệ sau thích ứng ngay được với môi trường sống không thay đổi. Nhưng giáo dục (bao gồm tổng thể những việc làm có mục tiêu, chương trình, kế hoạch, phương pháp tiến hành được vạch ra, với các hình thức gia đình, nhà trường, xã hội) và tự giáo dục mới là con đường duy nhất thông qua đó mỗi cá nhân, tiếp thu và biến những tri thức, những giá trị văn hoá mà loài người đã phát hiện ra, tích luỹ được, thành tài sản riêng dưới hình thức những phẩm chất và năng lực trong cấu trúc nhân cách của mình, trên cơ sở đó đóng góp vào sự phát triển xã hội. Vì thế giáo dục (và tự giáo dục) là yếu tố có ảnh hưởng quyết định đến sự hình thành và phát triển nhân cách con người.
7. Yếu tố tích cực hoạt động và giao tiếp cá nhân: Một lần nữa ở đây cần nhắc lại rằng, các mối quan hệ qua lại giữa con người với môi trường văn hoá, xã hội, lịch sử và giáo dục không thể diễn ra ngoài hoạt động của con người trong đó con người là chủ thể. Tính chủ thể càng cao thì sự nỗ lực ý chí được huy động càng lớn, mọi khó khăn, cản trở sẽ được vượt qua, làm cho hành động đạt được mục đích cuối cùng mà chủ thể mong đợi. Ngược lại, tính chủ thể thấp sẽ làm cho hành động không đạt được mục đích cuối cũng như kỳ vọng của chủ thể, thậm chí thất bại hoàn toàn. Vì vậy, tính chủ thể trong hoạt động và giao lưu của cá nhân trong các mối quan hệ với môi trường văn hoá, xã hội, lịch sử và giáo dục giữ vai trò trực tiếp quyết định sự ảnh hưởng của nó đến hình thành và phát triển nhân cách của cá nhân.